14/2/13

Thấy ở "phố ông đồ"


Bên ngoài Khổng miếu có bờ tường,
Bán chữ, mua oai, thật cảm thương.
Chẳng hiểu, vung tay bình mấy chữ,
Không hay, lớn tiếng giảng vài chương.
Treo đầy bút rỗng khoe đầu chợ,
Vét cạn nghiên khô diễn cuối đường.
Vẫn biết chữ Nho cần phải giữ,
Nhưng làm vậy tiếng xấu mười phương.




Nguồn ảnh: của cụ Huyền Anh trên nét từ năm ngoái. 
Cụ viết và cụ chụp bức ảnh chụp rất thâm, mặc dù nhà cháu không hiểu hết ý nghĩa mấy chữ "bạc nhạc ba chỉ" đấy.

1 nhận xét:

  1. Hơn trăm năm trước, cụ Tú Xương đã cảm thán:
    “ Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
    Mười người đi học chín người thôi”

    Và cụ bi hài:
    “ Chi bằng đi học làm ông phán
    Tối rượu sâm banh sáng sữa bò”

    Độ nửa thế kỷ sau, lại có cụ Vũ Đình Liên cũng đồng cảm:
    “ Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già’
    …..
    “ Nhưng mỗi năm mỗi vắng
    Người thuê viết nay đâu”
    …..
    “ Ông đồ vẫn ngồi đấy
    Qua đường không ai hay”
    …..
    Và cuối cùng thì:
    “Năm nay đào lại nở
    Không thấy ông đồ xưa
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ?”

    Thương cảm, nuối tiếc, xót xa cho thân phận “Ông đồ”, một thời là tiêu biểu cho giá trị tinh thần của dân Việt!

    Thời đại ngày nay, thế thời thay đổi, người ta đua nhau đi tìm những giá trị tinh thần mới ở tận phương trời Tây xa lạ. Phong tục, tập quán, đạo đức, nếp sống cũng nhanh chóng thay đổi theo hướng tiêu cực. Những giá trị cũ tưởng chừng đã hoàn toàn phai nhạt.

    Nhưng những năm gần đây, trên các đô thị Bắc, Nam nổi lên phong trào “Phố Ông đồ” quần tụ những người bán chữ kiểu “Ông đồ” hơn 70 năm trước. Không ngờ lại có rất nhiều người dân bị thu hút đến những tụ điểm đó. Họ tò mò rồi ngạc nhiên và ủng hộ, thậm chí có người đến trao đổi, luận bàn về chữ Nho, chữ Nôm.

    Dù rằng vẫn có nhiều điều tai tiếng (do những kẻ lợi dụng) nhưng “Phố Ông đồ” cũng đem lại ít nhiều niềm hi vọng hồi sinh những giá trị tinh thần của ông cha thuở trước. Hay ít nhất nó cũng tác động đến những người có chức trách bảo vệ văn hóa dân tộc.

    Tuy còn băn khoăn nhưng trong lòng tôi luôn hi vọng phong trào “Phố Ông đồ” tiếp tục phát triển theo hướng lành mạnh để đem lại một nét văn hóa đẹp tuy mới mà cũ cho quần chúng trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc và hi vọng nó được cơ quan chức năng giúp đỡ kiểm soát loại trừ những phần tử lợi dụng. Và cao hơn, hi vọng sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến với nền học thuật chữ Nho, chữ Nôm của tổ tiên.
    (Quang Nam)

    Trả lờiXóa