CHÚT LẠM BÀN VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC CỦA NHO GIÁO
Will Durant, tác giả bộ “Lịch sử văn minh thế giới” viết:
“… Ngày nay cũng như
ngày xưa, dân tộc nào cũng bị vấn nạn thiên về trí dục quá mà đạo lý suy đồi,
tư cách cá nhân cũng như tập thể quá thấp kém thì không có phương thức nào công
hiệu hơn là cho thanh niên được thấm nhuần Khổng giáo”.
Nhận xét trên thể hiện rất rõ bản chất và nội dung giáo dục
của Khổng giáo tức Nho giáo. Xuất hiện gần như đồng thời với đạo Do thái với
Moise và kinh cựu ước theo hành trình của dân Ixraen và đạo Phật theo bước chân
đi tìm chân lý của hoàng tử Si-đa-ta dòng họ Cồ-đàm (Siddharta Gautama) nhưng
đạo Nho không nhằm đưa ra một đấng tạo hóa nào để chăn dắt chúng sinh hay nhằm
giải thích về luân hồi quả báo và phương sách giải thoát khỏi khổ đau, mà đạo
Nho chỉ đưa ra những quy tắc ứng xử giữa con người với con người. Nói cách khác,
đạo Nho chính là “Đạo làm người”.
Nho giáo quan niệm gia đình là một thành tố của xã hội, mà
con người trước khi là thành viên của xã hội đã hiển nhiên là thành tố của gia
đình. Muốn có xã hội tốt, gia đình phải tốt và dĩ nhiên con người cũng phải
tốt; vậy phải dạy dỗ giáo dục con người. Xã hội và con người có quan hệ tương
hỗ, qua lại với nhau. Một xã hội tốt theo quan niệm của Nho giáo là một xã hội
có tôn ty trật tự rồi sau mới yên vui hạnh phúc. Muốn vậy con người phải sống
thuận theo đạo; thiên nhiên có ngũ hành, con người có năm đạo.
Quân
(cấp trên) Thần (cấp dưới)
Cha Con
Vợ Chồng
Anh Em
Chủ Khách
Những quả hệ đó theo kiểu Nho giáo là “đạo nhân” tức con
đường mà con người phải theo, gồm năm phần : Quan hệ qua lại giữa vua và tôi
hay người cai trị và kẻ bị trị, cha và con, vợ và chồng, anh chị và em, và quan
hệ giữa mỗi cá nhân với bạn hữu, lân bang (1-Đạo quân – thần, 2- đạo phụ-tử, 3-
đạo phu-thê, 4- đạo huynh-đệ, 5- đạo bằng-hữu) mà tốt đẹp thì xã hội mới ổn
định và yên vui được.
Trong năm quan hệ này, ba quan hệ đầu tiên là cương lĩnh, là
cốt yếu được gọi là “tam cương”. Bởi một xã hội mà người cai trị không liêm,
không chính, kẻ bị trị không thuận, không hòa thì nền chính trị sẽ hỗn loạn,
nước chẳng thể yên; Trong nhà con cái không hiếu thuận, cha mẹ không gương mẫu
ắt sinh tặc tử, ắt tệ nạn nảy sinh, rối ren sao có thể tránh được; Vợ chồng là
gốc của nhân sinh, là đất, là hạt để hình thành gia đình mà không hòa hợp thì
cây nào xanh tốt, hoa nào kết quả, quả nào tròn đầy được.
Theo Khổng tử những
quan hệ này là bình đẳng, tương hỗ. Sự qua lại khép kín ấy gọi là “luân”. Cái
“lý” của “luân”, tức “luân lý” của đạo là: Cha thực hiện đúng vai trò của cha,
con hành xự đúng đạo con gọi là “luân thường”; Cha quên trách nhiệm làm cha,
con quên nghĩa vụ làm con là “vô luân”; Cha sợ hãi con, con bất kính cha là
“loạn luân”... Nghĩa là mỗi nhân vật, dù ở vai trò nào cũng có trách nhiệm
ngang nhau; Tuy có đặc thù riêng về vai trò và chức trách, mỗi người đều phải
thường hành năm tiêu chuẩn sẽ trình bày dưới đây gọi là “ngũ thường”; đại quát
tư tưởng của Khổng tử chỉ có vậy.
Thế thì tại sao Đạo Nho lại được coi là tôn
giáo trong khi nội dung của nó không hàm chứa tâm linh, thần quyền? Đó là vì
nội dung ấy thật sự thuận lợi cho sự ổn định xã hội và bởi lẽ, cấu trúc của nó
phù hợp với yêu cầu cai trị nên mọi chính quyền đều ra sức ủng hộ. Người ta
xưng tụng, phong thánh cho Khổng tử và triết thuyết của ông trở thành một tôn
giáo thực sự theo đúng định nghĩa của nó gồm bốn yêú tố sau:
* Giáo chủ: Họ Khổng 孔, tên Khâu 丘, tự Trọng Ni 仲尼 tức
Khổng Phu Tử 孔夫子 , sinh năm 551 – mất năm 479 trước
công lịch tại nước Lỗ thời Xuân thu.
* Giáo lý: Tứ thư và Ngũ kinh.
Tứ thư gồm: 1) Luận ngữ, 2) Đại học chương cú, 3) Trung dung
chương cú, 4) Mạnh tử tập chú. Trong các sách thường có câu “tử viết” nghĩa là
Khổng Tử nói: nhưng thực ra các sách đều được các đệ tử của ông ghi chép hoặc
viết sau khi ông đã qua đời, thậm trí hàng trăm năm sau như Mạnh tử tập chú.
Ngũ kinh gồm: Kinh dịch, Kinh lễ, Kinh thi, Kinh thư, Kinh Xuân
Thu đều có cơ sở từ trước Khổng tử. Được biết Khổng Tử là tác giả tổng thành
của Kinh xuân thu và tác giả phần “truyện” của Kinh dịch.
* Tín đồ:
Toàn dân không phân biệt
giai cấp, giàu nghèo; Chỉ trừ hai loại:
Thánh nhân hay thánh hiền: Những người không học cũng biết.
Theo Khổng tử đó là những bậc tiền bối, bản thân Không tử cũng chỉ coi mình là
bậc “nhị hiền” mà thôi. Bất cứ ai cũng phải học mới nên người.
Loại hạ ngu: Những kẻ không chịu học hỏi, không chịu sửa
mình: “Nhân bất học bất tri lý”.
* Giáo sỹ:
Còn gọi là các Nho gia.
Đạo lý của Khổng tử vốn nhu thuận. Sinh thời ông đi khắp nơi
khuyên can, thuyết phục các Vương, các Hầu theo đạo của ông mà sửa mình để trị
nước, gọi là phép “Nhân trị” nhưng chẳng được ai nghe; Khởi thuyết của ông là
“Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người ai sinh ra cũng tốt, lớn lên tập nhiễm
cái xấu của đời mà sinh hư, nên phải ép vào quy củ (Lễ) từ vua đến cha mẹ rồi
quần thần, con cái; Nếu ai cũng tuân theo “Lễ” và điều mà Khổng tử gọi là phép
“Chính danh” nghiã là tư cách và hành vi phải đúng với danh phận, đến cách ăn
mặc cũng phải sao cho “y phục xứng kỳ đức” 衣袱秤其德 nghĩa là ngay cả cách ăn mặc
cũng phải đúng với danh phận của mình, đồng thời tuân thủ "ngũ thường” thì xã hội thái bình. Tới đời Tần-thủy-hoàng
đốt sách giết Nho sinh, dùng lý “Pháp trị” của Tuân tử và Hàn phi tử để trị
nước(*); Tuy Tần Thủy Hoàng đã khiến Trung Hoa được thống nhất và hùng mạnh
nhưng mất lòng dân nên cũng bị diệt. Từ đó trở đi, các vương triều Trung quốc
đều lấy Nho giáo làm lá chắn, làm phương tiện để thi hành “Pháp trị” (Ngoại
“Nhân”, nội “Pháp”). Vì thế để phục vụ đường lối cai trị mỗi thời, các Nho gia
thường bóp méo nội dung nhân văn và duy vật của Khổng tử, biến Nho giáo thành
công cụ đàn áp tư tưởng và nô lệ con người của giai cấp thống trị.
Ví dụ:
Nho gia thời Hán đã làm cho tư tưởng trung quân trở nên hẹp
hòi “Trung thần bất sự nhị quân” (Trung thần không thời hai vua) và tôn quân
đến cực đoan “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bảo chết, không chết
là bất trung) quá khác biệt với cú điển của Tứ-thư:
“Nhà vua đối với bề tôi như đất cỏ, thì bề tôi cũng coi nhà
vua như thù địch” (theo: Ly Lâu Hạ - Mạnh tử tập chú); Hoặc như Nho gia đời
Tống thì chỉ chú trọng bàn về “lý”, “khí”, “thái cực” … mà thôi.
Bởi vậy nói về
tính giáo dục của đạo Nho, trong bài này chỉ xin bàn đến những phần tốt đẹp
nhất của nó và cũng vì biển Nho hết sức bao la, từ thuyết “Chính danh” cho
người quân tử đến lời khuyên giản dị “… qua chỗ nước nông thì vén quần, chỗ
nước sâu thì vén áo…” không lời nào là không hàm muôn ý; nên ở đây chỉ trình
bày những tiêu chí chủ yếu của con người để đạt tới đạo Nhân, tức đạo làm người
của Khổng tử. Đó là “Ngũ thường”: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
(Còn tiếp)
…………..
Chú thích:
(*) Tuân tử tên Huống tự Khanh – người nước Triệu (sinh
-330, mất -227) vốn theo học đạo Khổng nhưng cho rằng “Nhân chi sơ tính bản ác”
vì con người sinh ra đã tranh ăn với mẹ, của cải xã hội ít, lòng tham khôn cùng
nên tất cả phải ác mới sống nổi. Ông có hai học trò xuất sắc là Hàn Phi và Lý Tư.
Hàn Phi là nhà lý luận, được coi là tác giả tổng thành đại diện cho giới “Pháp
gia” cho rằng nhân nghĩa là vô dụng, phải dùng hình phạt cho nghiêm. Doanh
Chính dùng sách nhưng giết người; Lý Tư theo tư tưởng của Hàn mà giúp Tần thống
nhất thiên hạ.