23/5/13

Chút lạm bàn về Nho giáo, Phật giáo

Tác giả: Nguyễn Đình Bình
10/10/2004

LỜI TỰA VIẾT SAU


Khoa học thiếu tôn giáo thì khập khễnh 
Tôn giáo thiếu khoa học thì mù lòa
                                                           Albert Eistein


Sau khi ghi chép quá trình nhận thức tâm linh của bản thân. Được sự theo dõi và động viên của bè bạn; có ý kiến cho là: Nên in ra nếu có thể, để dễ dàng hơn trong việc chỉnh sửa, bổ sung nhận thức nếu cần thiết và cũng cần có sự thông cảm, góp ý của người đã lỡ đọc phải. Như vậy phải có lời nói đầu. Trong trường hợp này chính là lời tựa viết sau đây vậy.

Đơn giản ban đầu chúng tôi chỉ thấy: Ai cũng vậy, thường khi gặp khó khăn ập tới thì thường buột miệng kêu lên: “Lạy Chúa tôi…” hay “Lạy Trời, lạy Phật…” như một phản xạ tự nhiên, nghĩa là dường như ai cũng tin tưởng rằng “Có thể nương tựa vào sức mạnh nào đó để đưa mình khỏi đận gian nan này”. Sau này đọc sách chúng tôi mới biết rằng cái gọi là “niềm tin” hay “tín ngưỡng” hay “tâm linh” ấy là một bản năng của con người, thứ bản năng phân biệt giữa bản năng thú tính và nhân tính mà ngay cả người tưởng như “vô thần” cũng mang bản năng ấy; vì họ cũng có niềm tin vào một mặc định nào đó, hoặc là tín đồ của một chủ nghĩa nào đó … Bản năng ấy xuất phát từ tinh thần hướng thượng của con người khao khát niềm tin, muốn vươn lên từ cái hữu hạn nhỏ bé của mỗi sinh linh giữa cái vô cùng, cái toàn năng của tạo hóa.

Vậy nên, nếu “Tín ngưỡng” là điều không thể tránh khỏi thì sao chúng ta lại có thể hàm hồ không lựa chọn hoặc cứ hồn nhiên thả mặc theo ngẫu hứng mà không đem tri thức và ý nguyện của mình để xem xét!

Ngày nay nhận thức, kiến thức của con người đã nâng cao rất nhiều, sự phân biệt duy tâm – duy vật đã trở nên cố chấp và ấu trĩ. Những thành tựu của mọi lĩnh vực: từ khoa học nhân văn đến khoa học tự nhiên đều thừa nhận sự thống nhất của những mặt đối lập; và như vậy thì sự du di khó phân biệt giữa tâm lý và tâm linh là một hiện thực, cũng như người ta không thể rạch ròi giữa “Mặc khải” và “Thiên khải”, giữa “tưởng ra” và “trời phán”.

Từ lý do không thể trốn tránh ấy, chúng tôi đã để tâm quan sát tìm hiểu các biểu hiện tín ngưỡng quanh mình: Từ sự nghiêm cẩn thành kính trong tổ chức và kỷ luật của những người Thiên Chúa giáo hoặc lòng tin đến vong thân của người Hồi giáo; đến cung cách tự do, dân dã có thể coi là lộn xộn của một số Phật tử. Quá trình tìm hiểu về nội dung, lịch sử phát triển, ảnh hưởng của các tôn giáo lớn hiện nay, chúng tôi thấy thực chất chỉ có hai loại: Tôn giáo xây dựng trên những giáo điều và tôn giáo dựa trên những triết thuyết; Cũng tựa như lối sống của người đời: Những người suốt đời bươn trải mưu sinh sao cho bằng anh bằng em và những người luôn tự hỏi cuộc sống của mình mang ý nghĩa gì? làm gì cho phải?. Loại thứ nhất như người nín thở, nhắm mắt vẫy vùng trong dòng chảy cuộc đời mong một chiếc phao cứu chuộc, loại thứ hai cố ngoi lên và mở mắt xem mình đang ở đâu, giữa sông hay lạch, hay đầu thác ngọn ghềnh để tuỳ cơ tuỳ sức mà hành động.

Có thể thấy rằng những tôn giáo dựa vào giáo điều sẽ được quần chúng tiếp nhận dễ dàng hơn vì nó đáp ứng trực tiếp nhu cầu tâm linh (nhu cầu đưa mình khỏi cái hữu hạn nhờ vào sự trợ giúp của thần linh). Sức mạnh của lòng tin, sự mong mỏi được cứu chuộc của giáo chúng đã khiến những tôn giáo này phát triển rất mạnh và như thế thật khó mà lý giải hoặc đặt những câu hỏi về giáo điều, giáo lý. Giáo dân bình thường không được phép đề ra câu hỏi như thế; chỉ khi những trí thức, những thế lực đặt câu hỏi thì sau đó là những đổ máu, những cuộc phân chia, những cuộc cách mạng. Có thể lấy ví dụ: Sự cách biệt giữa các phe phái Hồi giáo, sự hình thành đạo Tin lành….

Còn loại thứ hai: Các tôn giáo dưạ trên triết thuyết mà các triết thuyết ấy có thể xê dịch, thêm bớt cho thích hợp với thời cuộc hay theo luận giải của cao nhân nào đó khiến cho sự phát triển trở nên phức tạp, xuất hiện nhiều tông phái, có khi tồn tại những dị biệt nhưng không có cuộc chiến tranh nào cả. Các tín đồ tất nhiên phải có lòng tin nhưng được phép tự do tư tưởng, được phép lựa chọn con đường cuả chính mình.

Với tình cảm cá nhân, chúng tôi cố gắng tìm hiểu và trình bày những nguyên sơ, cốt lõi của hai tôn giáo mà mình hướng tới là Nho-giáo và Phật-giáo, những điều tưởng ai cũng đã biết nhưng thực ra lại rất mơ hồ. Theo ngã ý, chúng tôi sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó hòng cải cách tâm tư, tình cảm của riêng mình, sau mới hy vọng có thể rút ngắn con đường tìm đọc của những bằng hữu có tâm hướng tới.

Do trình độ có hạn và thoạt tiên chỉ là những ghi chép trong quá trình tìm hiểu về tín ngưỡng một cách tự nhiên; Bắt đầu từ lịch sử phát triển của một số tôn giáo lớn, rồi đến một số kinh sách được cho là cơ bản của các tôn giáo ấy, rồi từ những thu hoạch hết sức chủ quan mà hướng tới Nho-giáo và Phật-giáo do vậy mà có bài viết này. Vốn không phải nhà nghiên cứu, cũng không có ý thức viết sách, tất cả chỉ xuất phát từ nhu cầu ghi chép nhận thức cá nhân nên phần Nho giáo chỉ trình bày những kiến thức cơ bản sơ sài và giới hạn trong “Tứ thư” mà không thể bàn rộng đến sự phát triển của Nho-giáo như Hán-nho hoặc Tống-nho … Cũng vậy với Phật-giáo chúng tôi chỉ dám trình bày những điểm cơ bản trong thời “Sơ chuyển Pháp luân” mà cả Nam-tông và Bắc-tông đều thừa nhận với những trích dẫn của cả cácThiền-sư, Pháp-sư, Hòa-thượng không phân biệt tông phái (tất nhiên đa số đều thuộc Đại-thừa do những hạn chế về tài liệu) trong những bộ kinh chính như Kim-cương, Pháp-hoa … Lại do ngã kiến dẫn dắt nên mặc dù lấy nội dung cuốn NHÌN PHẬT GIÁO QUA KHOA HỌC của ngài Uông Trí Biểu làm cốt, nhưng cũng không tránh khỏi nhiều điều không  hợp ý với các bậc tu hành vì là lộn xộn không ra pháp nào của kẻ kính phục Phật lý nhưng chưa đủ duyên đến cửa chùa, hoặc với những bạn chưa quan tâm đầy đủ đến Phật giáo sẽ khó cảm thông vì không có phần giải thích những thuật ngữ nhà Phật và vì những sự so sánh các thành quả khoa học thực chứng với những vấn đề tâm linh thường là khập khiễng. Mặt khác trong kinh Phật thường dùng nhiều ẩn dụ từ những sự việc thông thường đến những sự kiện có tính truyền thuyết. Vì thế nếu chỉ hiểu theo nghĩa tục thế thì  “y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan”, còn nếu dùng ngã kiến mà tuỳ tiện suy luận thì lại lâm vào tình thế “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Hơn nữa, hiện nay đa phần kinh sách còn dùng từ Hán-việt nên việc tiếp thu cũng còn nhiều khó khăn. Tất cả những lỗi đó chúng tôi đều cảm thấy nhưng không đủ khả năng sửa chữa khắc phục. 

Bản thân chúng tôi, những người còn nặng gánh nhân gian thì điều thu nhận được trong quá trình truy cầu có thể nói gọn là: Nho-giáo là đạo nhập thế, dạy chúng ta sống có đạo đức và quy củ, nếu theo được lẽ “Thời Trung” (tòng thời và trung dung) là tốt nhất. Còn Phật giáo đã chỉ cho chúng ta lý “Nhân duyên-quả báo” vậy phải cố mà “ở hiền gặp lành”, cố mà “thương người như thể thương thân”, lương thiện phấn đấu, cầu lành tránh dữ để đạt đến điều mong muốn; Nếu có đủ duyên tu hành thì phải cố mà tiến bộ từng ngày, tu nhân để đạt tới “vô chấp”, “vô ngã” tức thoát khỏi lối toan tính, lý sự của tục thế thì mới có cơ tìm được chân lý, có cơ thành tựu.

Những kiến giải như trên có vẻ tức cười nhưng cá nhân chúng tôi lại coi là một thành tựu muốn chia sẻ cùng những người đồng chí. Mặc dù khập khễnh trùng lặp và rất nhiều khiếm khuyết cũng mong được thông cảm và chỉ giáo.

(còn tiếp)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét